- Tháng Ba 13, 2023
- Posted by: Huyền Trang
- Category: Uncategorized
Tóm tắt: Biện pháp thực thi quyền tác giả đối với chương trình máy tính là sự công nhận và bảo đảm từ nhà nước các quyền của chủ thể tự bảo vệ bằng các biện pháp công nghệ và trách nhiệm pháp lý mà nhà nước áp dụng lên các chủ thể có hành vi xâm phạm để trừng phạt, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Dù tại Việt Nam đã có hệ thống các quy phạm luật về quyền sở hữu trí tuệ làm cơ sở pháp lý cho quá trình thực thi quyền tác giả của các thể loại tác phẩm khác nhau nhưng thực tiễn dường như không phát huy hiệu quả khi áp dụng lên chương trình máy tính. Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ các biện pháp thực thi quyền tác giả đối với chương trình máy tính: biện pháp áp dụng công nghệ, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp hành chính và kiến nghị đề xuất hoàn hiện pháp luật.
Các biện pháp bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là các biện pháp ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền SHTT xảy ra trên thực tế mà còn là việc xử lý, giải quyết khi có hành vi xâm phạm nhằm chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại[1]. Theo khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung trong các năm 2009, 2019 và 2022 (Luật SHTT), chương trình máy tính (CTMT) là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. CTMT được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Từ khái niệm này cho thấy CTMT được bảo hộ như tác phẩm văn học nhưng quá trình tạo thành và hoạt động lại là sản phẩm khoa học kỹ thuật trong khi đó hệ thống thực thi quyền SHTT của Việt Nam bị đánh giá vẫn còn rất phức tạp[2], điều này tạo ra những thách thức về tính hiệu quả cho các chủ sở hữu quyền thực hiện những hành động chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả (QTG) đối với CTMT. Do vậy thực tiễn việc áp dụng các biện pháp thực thi quyền SHTT hiện nay tại Việt Nam chưa thật sự hiệu quả để chặn các hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT:
1. Biện pháp áp dụng công nghệ để tự bảo vệ
1.1. Thực trạng pháp luật
Biện pháp tự bảo vệ có một ý nghĩa rất lớn trong việc thực thi QTG đối với CTMT vì đối với CTMT rất dễ bị xâm phạm và tốc độ hành vi xâm phạm có thể diễn ra rất nhanh nên các chủ sở hữu QTG đối với CTMT thường rất coi trọng biện pháp tự bảo vệ, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp công nghệ thì hiệu quả hơn là trông đợi các biện pháp pháp lý khác từ các cơ quan có thẩm quyền. Các hành vi xâm phạm ngày càng đa dạng đã tạo ra những thách thức cho việc thực thi QTG đối với CTMT. CTMT bị xâm phạm có thể lan truyền nhanh hơn việc tiến hành thủ tục áp dụng các biện pháp thực thi từ cơ quan nhà nước. Do vậy, các biện pháp công nghệ để tự bảo vệ nhằm mục đích giảm thiểu vi phạm bản quyền bằng cách kiểm soát cách thức sử dụng CTMT bằng các phương tiện kỹ thuật được xem là hiệu quả nhất trong số các biện pháp thực thi. Vì những ưu điểm của biện pháp tự bảo vệ bằng áp dụng công nghệ mà hiện nay pháp luật của các quốc gia và pháp luật quốc tế đều ghi nhận tại (A)1(a), Mục 1201 Tiêu đề 17 Đạo Luật Liên Bang Mỹ; điểm (3) Điều 6 Chỉ thị 2001/29/EC của Nghị viện và Hội Đồng Châu Âu ngày 22/5/2001 về việc hài hòa các khía cạnh nhất định của QTG và quyền liên quan trong xã hội thông tin; Mục 11 Điều 11 của WIPO về bản quyền năm 1996; Điều 12.12 Hiệp ước EVFTA; Điều 18.68, Hiệp định CPTTP; Điều 11.14 Hiệp định RCEP.
1.2. Thực tiễn áp dụng
(i) Áp dụng biện pháp công nghệ để phát hiện hành vi cài đặt CTMT trái phép: Để phát hiện hành vi cài đặt CTMT trái phép, các CTMT được thiết kế theo hướng dữ liệu của các doanh nghiệp phần mềm có một hệ thống theo dõi hoạt động của các CTMT bằng việc kết nối CTMT với hệ thống máy chủ serve, mỗi khi có một CTMT được sử dụng trái phép, ngay lập tức máy chủ sẽ được thông báo.
(ii) Áp dụng các biện pháp công nghệ để ngăn ngừa hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT. Các CTMT được bảo hộ QTG thường được thiết lập chức năng kiểm tra QTG như yêu cầu người sử dụng nhập vào một dãy số (gọi là key) để chứng thực là người dùng hợp pháp lúc mới cài đặt. Người sử dụng CTMT phải trả tiền cho chủ sở hữu QTG đối với CTMT để có được các key này. Các key có nhiều dạng, nhiều loại tùy theo chủ sở hữu QTG đối với CTMT muốn làm chặt chẽ đến đâu trong việc kiểm tra chống việc sử dụng trái phép. Dưới góc độ pháp lý, các nhà làm luật cần nhận định mức độ tự bảo vệ các quyền của nhà sản xuất CTMT. Các hoạt động nhằm bảo vệ QTG đối với CTMT thường sẽ là mã hóa mã nguồn và thiết lập cơ chế kiểm soát người dùng truy cập vào CTMT. Bản thân CTMT là một sản phẩm của công nghệ, nên áp dụng các biện pháp công nghệ vẫn hiệu quả nhất để bảo vệ các quyền của chủ sở hữu. Tại Việt Nam hiện nay không có quy định nào trực tiếp liên quan đến việc cho phép hay cấm hành vi dịch ngược CTMT, nhưng trên thực tế, các nhà sản xuất CTMT sẽ sử dụng các biện pháp công nghệ để mã hóa để bảo vệ mã nguồn của mình khỏi bị sao chép (trừ trường hợp CTMT nguồn mở). Do vậy, nếu có hành vi dịch ngược CTMT để tìm mã nguồn, cho dù vì mục đích gì thì theo quan điểm của chúng tôi đều bị xem là hành vi phá vỡ các biện pháp công nghệ để tự bảo vệ QTG của chủ sở hữu CTMT theo khoản 9 và điểm a khoản 1 Điều 198 Luật SHTT.
1.3. Kiến nghị hoàn thiện phápluật
Theo Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin tại khoản 1 Điều 16, tổ chức, cá nhân không được thực hiện các hành vi nhằm có được mã nguồn của phần mềm, cấu trúc thiết kế phần mềm, hay các nội dung cơ bản của phần mềm, tài liệu phần mềm khi chưa được sự cho phép của chủ sở hữu phần mềm. Luật Công nghệ thông tin thể hiện khá rõ yêu cầu không được thực hiện hành vi dịch ngược mã nguồn. Trong khi đó theo pháp luật về bí mật kinh doanh thì chủ sở hữu không thể ngăn cản các chủ thể khác dịch ngược CTMT để tìm ra mã nguồn[3]. Do vậy, theo chúng tôi cần thống nhất áp dụng pháp luật chỉ cho phép dịch ngược CTMT nhằm mục đích nghiên cứu về bảo mật, an toàn mạng máy tính, mục đích học tập và không cho phép dịch ngược CTMT tìm mã nguồn để phá vỡ các biện pháp công nghệ mà chủ sở hữu áp dụng để vi phạm QTG đối với CTMT. Việc áp dụng pháp luật như trên sẽ tạo điều kiện những chủ thể khác tham gia vào quá trình nghiên cứu học hỏi và tạo ra nhiều CTMT mới, đồng thời cũng ngăn cấm hành vi vi phạm QTG đối với CTMT.
2. Biện pháp dân sự
2.1. Thực trạng pháp luật
Hiệp định Trips yêu cầu biện pháp dân sự phải được áp dụng đối với bất kỳ hoạt động nào vi phạm quyền SHTT được quy định trong Hiệp định[4]. Thực tiễn áp dụng biện pháp dân sự trong thực thi QTG đối với CTMT cho thấy:
(i) Việc chứng minh hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT không dễ dàng. Đối với những chủ thể xâm phạm QTG đối với CTMT là các doanh nghiệp chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Trường hợp tác giả, chủ sở hữu QTG là cá nhân thì việc yêu cầu người bị xâm phạm xuất trình chứng cứ chứng minh cho việc bị xâm phạm sẽ phức tạp hơn. Người bị xâm phạm sẽ phải chứng minh CTMT của mình bị xâm phạm bằng cách tìm kiếm chứng cứ mã nguồn của mình bị sao chép bất hợp pháp. Họ phải dùng các chương trình để dịch ngược mã nguồn bị cho là sao chép trái phép nhằm tìm ra được những bằng chứng cụ thể. Nhưng thông thường người thực hiện hành vi xâm phạm sẽ sử dụng những biện pháp kỹ thuật mã hóa để ngăn chặn việc dịch ngược mã nguồn và việc tìm ra chứng cứ này cũng như phát hiện ra hành vi chủ thể khác đã có hành vi xâm phạm mã của CTMT mình trong một số trường hợp không thật sự chính xác. Ví dụ một CTMT rất phổ biến hiện nay là hệ thống Bitcoin bao gồm mã nguồn (phần mềm chạy bitcoin) tạo thành một tổ hợp file, và khi chạy thì tổ hợp này vận hành một hệ thống blockchain. Nếu có một phần mềm khác, chạy hệ thống blockchain này thì có nghĩa là có vài phần mã giống bitcoin (10 file/tổng 1000 files). Như vậy, có thể đưa ra một sự nghi ngờ là đã có sự sao chép. Muốn xác định cụ thể thì chủ sở hữu phải so sánh 2 bộ mã nguồn này. Tuy nhiên, nếu đủ chứng cứ cho rằng CTMT bị nghi ngờ có chứa yếu tố xâm phạm có sáng tạo thêm để sửa chữa 10 file này làm cho nó khác đi thì sự không giống nhau đó không thật sự rõ ràng thì cũng khó mà nói mã nguồn 2 là sao chép mặc dù tác giả 2 đã tham khảo từ mã nguồn 1 nhưng có thêm sáng tạo.
(ii) Khó để xác định thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT. Pháp luật của Mỹ quy định bất kỳ ai bị phát hiện phải chịu trách nhiệm pháp lý về vi phạm bản quyền dân sự đều có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế hoặc thiệt hại theo luật định với mức không dưới 750 USD và không quá 30.000 USD cho mỗi tác phẩm bị vi phạm. Đối với vi phạm do lỗi cố ý, tòa án có thể buộc bồi thường lên đến 150.000 USD cho mỗi tác phẩm bị vi phạm. Tòa án cũng có thể buộc người vi phạm trả chi phí tố tụng và phí luật sư cho người bị xâm phạm[5]. Tại Việt Nam không quy định bồi thường thiệt hại tối thiểu theo luật định cho những thiệt hại dân sự mà căn cứ vào thiệt hại thực tế do các bên chứng minh theo các quy định chung của tố tụng dân sự nên hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT được thực hiện bởi những cá nhân, hoặc tổ chức với quy mô nhỏ hầu như không bị tiến hành truy cứu trách nhiệm pháp lý vì những chi phí mà chủ sở hữu cần bỏ ra thường lớn hơn so với quá trình tiến hành tố tụng.
(iii) Nhận diện CTMT chưa chính xác
Tháng 7/2008, Nguyễn Thành Chương – nhân viên của Công ty Quang Minh đã phát hiện một lỗ hổng trong game Thế giới Hoàn Mỹ, dựa vào đó có thể sao chép các nhân vật từ máy thử nghiệm vào máy game chơi trực tuyến. Chương đã tạo ra tài khoản chơi và sao chép các vật phẩm từ máy thử nghiệm cho các nhân vật trong tài khoản của mình. Sau khi sao chép, Chương kiểm tra và xác định được 28 “con nhân vật” có khoảng 40.000 viên “Long châu cấp 12”, Chương đã sử dụng khoảng 60 viên để nâng cấp đồ cho “con nhân vật” có tên là “Vanvien” của mình lên cấp 12. Đến tháng 8/2008, Công ty Quang Minh đã phát hiện ra hành vi của Chương và đã buộc thôi việc với Chương đồng thời vụ việc bị truy cứu hình sự[6].
Đối với vụ án này chúng tôi cho rằng:
Thứ nhất, ngày 16/10/2009, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự có Văn bản số 4805 kết luận: “Các viên long châu là loại hình tài sản mới (tài sản ảo) không có giá trị thực tiễn, các văn bản pháp luật chưa có đề cập định giá để quản lý tài sản này nên không định giá được tài sản này“. Theo quan điểm của chúng tôi, bản chất các viên long châu này là một mẩu dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của trò chơi, nó được tạo ra từ một chuỗi các lệnh, được viết để thực hiện một nhiệm vụ nhất định trên máy chơi game, máy tính, tác giả của game online là các lập trình viên phần mềm, chủ sở hữu QTG là nhà phát triển game online này, nên nó phải được xem là CTMT. Ngoài ra, trên thực tế nó vẫn có giá trị sử dụng (chức năng giải trí), có thể mua bán, trao đổi trên thị trường nên vẫn có khả năng định giá theo giá thị trường đã thừa nhận chứ không thể nhận định được đây là tài sản ảo mà đây là các CTMT được bảo hộ tài sản trí tuệ theo pháp luật về QTG.
Thứ hai, dưới góc độ kỹ thuật lập trình, đối với Chương khi lấy long châu từ máy thử nghiệm sang máy thật là hành vi sao chép và long châu ở máy thử nghiệm sẽ còn nguyên. Sau khi công ty Quang Minh phát hiện đã thu hồi tài khoản, thu hồi các viên long châu và đã xóa toàn bộ các viên long châu cho Chương tạo ra, cơ quan điều tra đã không tiến hành truy cứu trách nhiệm pháp lý của Chương vì không có cơ sở định giá trị tài sản trộm cắp[7]. Dù trên thực tế Chương không bị xử lý hình sự tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, hành vi của Chương vẫn có thể áp dụng biện pháp dân sự do đã có hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật SHTT. Nhưng trong tình huống giả định nếu công ty Quang Minh muốn áp dụng biện pháp dân sự yêu cầu Chương phải bồi thường thiệt hại thì lại không khả thi vì Chương chưa có hành vi bán các viên long châu đó cho ai nên pháp luật hiện hành chưa có cơ sở để công ty Quang Minh yêu cầu Chương bồi thường thiệt hại. Trong khi đó luật ở Mỹ không bắt buộc phải có yếu tố thiệt hại thực tế xảy ra, chỉ cần có hành vi xâm phạm QTG thì có thể yêu cầu bồi thường một khoản tối thiểu bằng luật định dù không có thiệt hại thực tế[8]. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thực thi bằng biện pháp dân sự tại Việt Nam chưa được hiệu quả dù hành vi xâm phạm QTG xảy ra tương đối nhiều.
2.2. Hoàn thiện pháp luật
Vấn đề nhận thức các hoạt động liên quan QTG đối với CTMT của các chủ thể sử dụng CTMT như người dùng cuối, hoặc các doanh nghiệp bao gồm chưa cao. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích sử dụng các CTMT miễn phí được tải từ internet hoặc tìm cách vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật mà chủ sở hữu QTG đối với CTMT áp dụng. Và việc xử lý những hành vi xâm phạm của chủ thể là cá nhân này thường ít khả thi do số lượng hành vi xâm phạm và số lượng chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm lớn, nhưng giá trị của mỗi trường hợp xâm phạm lại không lớn, gây ra sự ngại ngần cho các chủ thể quyền cũng như cơ quan có thầm quyền trong quá trình thực thi về chí phí tiến hành. Do vậy, cần ghi nhận bồi thường thiệt hại ấn định mức tối thiểu không phụ thuộc vào việc có chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra hay không đối với những hành vi xâm phạm QTG. Thực tiễn thực thi cho thấy nhiều chủ thể quyền có tâm lý e ngại việc khởi kiện yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm vì những chi phí cần bỏ ra trong quá trình thu thập chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm, nếu tòa tuyên thắng kiện thì cũng chỉ được hoàn lại án phí, trong khi đó nhiều trường hợp thiệt hại không thể xác định được. Do vậy chúng tôi kiến nghị cần quy định về bồi thường ấn định tối thiểu cho những trường hợp hành vi xâm phạm nhưng không xác định được thiệt hại để khuyến khích các chủ thể quyền tiến hành khởi kiện truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT, đồng thời quy định này cũng sẽ có tác dụng cảnh báo các chủ thể đang có chủ ý xâm phạm QTG đối với tác phẩm nói chung và CTMT nói riêng sẽ có nguy cơ phải bồi thường nếu có hành vi xâm phạm, đây là quy định hướng vào lợi ích của người xâm phạm sẽ hiệu quả ngăn chặn cao hơn.
3. Biện pháp hình sự
3.1. Thực trạng pháp luật
Trên thực tế không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới rất ít các trường hợp vi phạm QTG đối với CTMT bị xử lý hình sự. Dù bản chất là quan hệ dân sự nhưng với những tác hại của các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với CTMT trong kinh tế số hiện nay gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho chủ sở hữu nên Bộ luật Hình sự (BLHS) giới hạn trong hai nhóm hành vi vi phạm QTG đối với CTMT là: sao chép CTMT và phân phối đến công chúng bản sao CTMT.
(i) Nhóm hành vi sao chép và phân phối CTMT mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu CTMT tại Điều 225 BLHS: Không có quy định riêng cho CTMT mà áp dụng chung cho các tác phẩm với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng. Điều 61 của Hiệp định TRIPs yêu cầu các nước ký kết thiết lập các thủ tục và hình phạt hình sự trong các trường hợp cố ý làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền trên quy mô thương mại. Pháp luật Mỹ cũng đã từng áp dụng quy định phải có quy mô thương mại mới xử lý hình sự nhưng sau đó đã ban hànhĐạo luật không trộm cắp điện tử (Đạo luật NET) vào năm 1997 với quy định truy tố hình sự đối với những cá nhân vi phạm QTG ngay cả khi không có mục đích thương mại. Hành vi với lỗi cố ý vi phạm QTG có thể bị phạt hình sự, bao gồm phạt tù lên đến 5 năm và tiền phạt lên đến 250.000 USD cho mỗi lần vi phạm[9]. Điểm (a) Mục 1204 Điều 17 Đạo luật Liên bang Mỹ lỗi cố ý và vì mục đích lợi ích thương mại hoặc lợi ích tài chính tư nhân là yếu tố bắt buộc. Trong khi đó lỗi chỉ là yếu tố bắt buộc để chứng minh hành vi xâm phạm trong dân sự nếu với mục đích thương mại. Tại Việt Nam thực tiễn chưa có trường hợp nào xét xử hình sự về vi phạm QTG đối với CTMT, nhưng quy định của luật khá rõ ràng: bị phạt tiền từ 50.000.000 VNĐ cho đến 3.000.000.000 VNĐ, phạt tù đến 5 năm[10].
(ii) Xác định chưa chính xác tội trộm cắp tài sản hữu hình và hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Trong vụ án trộm viên long châu, Công ty Đại Quang Minh sau khi phát hiện ra hành vi của Chương đã giao cho Lê Quý Hải kiểm tra tài khoản của Chương. Hải phát hiện trong tài khoản của Chương còn nhiều viên “Long châu cấp 12” và đến cuối tháng 11/2008, Hải đã nảy ý định trộm cắp số “Long châu cấp 12” từ tài khoản của Chương để lại. Hải chuyển 1.000 viên “Long châu cấp 12” từ tài khoản của Chương sang nhân vật của tài khoản do Hải sở hữu. Sau đó nâng lên cấp 12 và bán được một số viên 91 triệu đồng. Theo quan điểm của chúng tôi, hành vi di chuyển các hạt long châu từ tài khoản A sang B, tài khoản A không còn nữa về mặt kỹ thuật thì các hạt long châu này sẽ phải được gắn một ký hiệu định danh duy nhất (như mã số định danh dành cho người) nên chỉ có thể chuyển từ A sang B trong cùng một môi trường không thể cùng lúc tồn tại hai long châu có cùng định danh nhưng chủ sở hữu của các viên long châu này là công ty Quang Minh vẫn có thể sản xuất, sử dụng các viên long châu chứ không bị mất đi. Và thiệt hại ở đây là chủ sở hữu có thể mất đi một cơ hội thị trường bán sản phẩm của mình, chứ không mất đi các đoạn mã. Trong khi đó đặc trưng của cấu thành tội trộm cắp tài sản là tính chất loại trừ bên thứ hai sử dụng tài sản sau khi chủ thể phạm tội có hành vi lén lút chuyển giao tài sản. Khi người phạm tội hoàn thành hành vi thì chủ sở hữu tài sản sẽ không kiểm soát hay nắm giữ hay sử dụng được tài sản của mình nữa. Do vậy, nếu áp dụng Điều 138 BLHS năm 1999 trộm cắp tài sản đối với hành vi của Hải như kết luận tại Bản án số 143/2010/HS-ST ngày 05/3/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội là chưa có cơ sở, chưa đúng với bản chất của hành vi trộm cắp tài sản mà hành vi của Chương và Hải cần được xem như là hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT, cụ thể là sao chép CTMT và phân phối CTMT mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu theo khoản 4 Điều 28 Luật SHTT năm 2005.
Tại thời điểm thực hiện hành vi thì BLHS năm 1999 có hiệu lực tại Điều 131 quy định trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm QTG yêu cầu tác phẩm bị xâm phạm chỉ giới hạn trong “tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình” và điều kiện là phải “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm“. Việc xử lý hành vi của Hải không thể áp dụng bằng biện pháp hình sự vì không thuộc đối tượng tác phẩm bị xử lý hình sự theo BLHS năm 1999, nhưng tại thời điểm thực hiện hành vi xâm phạm thì hành vi của Hải đã thỏa mãn vi phạm tại khoản 3 Luật SHTT năm 2005 công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép tác giả và khoản 10 Điều 28 Luật SHTT năm 2005 nhân bản, phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu QTG. Theo chúng tôi hành vi của Hải này thỏa mãn các điều kiện vi phạm quyền SHTT, cụ thể là QTG đối với CTMT hơn là hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của BLHS năm 1999.
Nếu hành vi vi phạm pháp luật trên được thực hiện sau khi BLHS năm 2015 được ban hành thì vẫn vi phạm vào khoản 3 và khoản 10 Điều 28 Luật SHTT, đồng thời hành vi này thỏa mãn cấu thành tội xâm phạm QTG tại khoản 1 Điều 225 BLHS năm 2015.Hải đã bán ra thị trường 91 triệu VNĐ thì hành vi của Hải cấu thành vi phạm pháp luật hình sự. Qua đó cho thấy pháp luật đã thắt chặt về việc thực thi QTG với biện pháp hình sự trong BLHS năm 2015 hơn so với BLHS năm 1999, tránh bỏ sót hành vi nguy hiểm cho xã hội, xác định đúng bản chất hành vi xâm phạm giữa tài sản hữu hình và tài sản trí tuệ.
3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Việt Nam hiện nay chưa xử lý hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT bằng biện pháp hình sự, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chưa có các hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm về QTG đối với CTMT. Không phải riêng gì Việt Nam mà trên thế giới số lượng trường hợp xử lý hình sự về vi phạm QTG đối với CTMT không nhiều, trừ những trường hợp thực hiện hành vi tấn công mạng máy tính nhằm mục đích tống tiền hay làm rối loạn hoạt động hệ thống mạng. Theo báo cáo của Liên minh Châu Âu, Việt Nam là một trong những quốc gia có chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm quyền SHTT tương đối thấp, chưa có tác dụng răn đe bên cạnh các quốc gia như Argentina, Brazil, Ấn Độ, Nigeria, Nga, Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.[11] Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần tiến hành truy cứu trách nhiệm pháp lý về hình sự một số vụ điển hình, nhất là các doanh nghiệp để răn đe các doanh nghiệp khác nhằm nâng cao hiệu quả thực thi. Ngoài ra cũng cần xác định ranh giới giữa tội trộm cắp tài sản và vi phạm pháp luật hình sự về QTG để định tội danh chính xác, phản ảnh đúng bản chất hành vi trái pháp luật.
4. Biện pháp hành chính
4.1. Thực trạng pháp luật
Khi phát hiện ra hành vi xâm phạm, chủ sở hữu QTG đối với CTMT sẽ kiến nghị và làm việc trực tiếp với chủ thể bị nghi ngờ có hành vi xâm phạm để yêu cầu tiến hành chấm dứt hành vi xâm phạm đó. Tại Việt nam thường các công ty là đại diện cho các chủ sở hữu CTMT sẽ phán đoán các doanh nghiệp không nằm trong danh sách khách hàng sử dụng CTMT của chủ sở hữu thì các đại diện đó sẽ gửi văn bản yêu cầu mua bản quyền. Nếu doanh nghiệp từ chối thì được xem là khả năng sử dụng CTMT không có bản quyền cao nên các công ty đại diện sẽ gửi văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước tiến hành thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, thông qua các đợt thanh tra kiểm tra của các cơ quan quản lý hành chính nếu phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính về QTG đối với CTMT thì sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
Không phải mọi quốc gia đều áp dụng biện pháp hành chính. Tham khảo pháp luật của các quốc gia phát triển thì không thấy sự hiện diện của biện pháp hành chính trong quá trình thực thi quyền SHTT như Mỹ, Anh, Austrailia… Bên cạnh đó, các quốc gia có áp dụng biện pháp hành chính bảo đảm thực thi quyền SHTT như Việt Nam, Pháp[12], Trung Quốc[13]. Có lẽ việc sử dụng biện pháp hành chính mang tính chất ảnh hưởng của hệ thống thông luật hay dân luật. Tại Mỹ việc thực thi QTG nói chung và QTG đối với CTMT nói riêng chỉ áp dụng biện pháp xử lý hình sự và dân sự thì tại Việt Nam, khi ý thức của người tiêu dùng chưa cao, việc thực thi QTG đối với CTMT chưa được chú trọng thì các cơ quan quản lý hành chính nhà nước chính là lực lượng chính cho hoạt động thực thi QTG đối với CTMT. Tại Việt Nam, biện pháp hành chính được coi như là biện pháp chủ yếu được áp dụng để bảo đảm thực thi QTG đối với CTMT.Theo khoản 1 Điều 211 Luật SHTT, hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính khi tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính: Xâm phạm quyền QTG đối với CTMT gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội; Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về QTG đối với CTMT. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền QTG đối với CTMT thì bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền[14] Ngoài ra còn áp dụng biện pháp bổ sung là gỡ bõ bản sao CTMT trên phương tiện sử dụng và trong môi trường mạng[15].
Qua những trường hợp áp dụng biện pháp hành chính về vi phạm QTG đối với CTMT nhận thấy: Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh của các biện pháp xử lý hành chính là các quan hệ quản lý hành chính nhà nước, thế nhưng thực tiễn cho thấy các hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT đã bị xử phạt đa số đều là hành vi sử dụng CTMT mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu QTG đối với CTMT. Trong khi đó các hành vi xâm phạm QTG được xác định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) đa số là hành vi xâm phạm quan hệ dân sự[16]. Vậy, đó có phải mâu thuẫn với quan điểm “nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh tế, dân sự“[17]? Và đó là lý do mà các quốc gia theo hệ thống thông Luật như Mỹ, Anh không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với vi phạm quyền SHTT? Thực tiễn cho thấy thực thi quyền QTG đối với CTMT tại Việt Nam rất cần sự can thiệp của Nhà nước để xác định hành vi xâm phạm quyền làm cơ sở cho các chủ thể quyền tiến hành áp dụng các biện pháp dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình. Thứ hai, việc thực thi biện pháp hành chính hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của Thanh tra Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, tuy nhiên thực tế Thanh tra Bộ sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động của Microsoft và BSA[18] là những tổ chức luôn thúc đẩy chính phủ của các quốc gia đẩy mạnh biện pháp thanh tra sàn lọc các hành vi xâm phạm QTG đối với CTMT vì chính lợi ích của họ thông qua các cuộc đàm phán giữa Microsoft và Chính phủ, và thông qua các điều tra về tỷ lệ vi phạm QTG đối với CTMT hàng năm của BSA. Có thể nói, chính các tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác thực thi QTG đối với CTMT tại Việt Nam.
4.2.Kiến nghị hoàn hiện luật
Hoạt động thực thi hiện nay chủ yếu là các biện pháp hành chính, mà cụ thể là quá trình thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch. Không những vậy, quá trình thực thi các biện pháp dân sự cũng phụ thuộc nhiều vào các quy định xử phạt vi phạm hành chính. Dù bản chất của tài sản trí tuệ là quyền dân sự, tuy nhiên thực tiễn tại Việt Nam thấy rằng, biện pháp hành chính đóng vai trò chủ đạo trong thực thi QTG đối với CTMT ở nước ta hiện nay. Rất nhiều chủ thể QTG đối với CTMT có đơn kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính các hành vi xâm phạm, từ đó làm cơ sở để khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường về dân sự. Do đó, chúng tôi kiến nghị tiếp tục tăng cường đưa nội dung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện QTG đối với CTMT vào kế hoạch thanh tra của Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (kể cả doanh nghiệp nước ngoài). Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phần mềm để có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia nước ngoài trong việc phát hiện các hành vi xâm phạm, giúp cho hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về QTG đối với CTMT được thuận lợi hơn.
Chú thích:
[1] Trần Bình Dương (2020), Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định, https://luatduonggia.vn/cac-bien-phap-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue/ truy cập 13/2/2021.
[2] Europan Comission (2020), Report on the protection and enforcement of intellectual property rights in third countries. Brussels, 8.1.2020. Tr. 53.
[3] Điểm d, khoản 3 Điều 125 Luật SHTT.
[4] WIPO, Overview: the TRIPS Agreement.
https://www.wto.org/english/tratop_e/trips_e/intel2b_e.htm truy cập 13/3/2021.
[5] Mục 504 và Mục 505 Tiêu đề 17, Đạo luật Liên bang Mỹ.
[6] Bản án số 143/2010/HS-ST ngày 05/3/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
[7] Bản án số 143/2010/HS-ST ngày 05/3/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
[8] Mục 504 và 505 Tiêu đề 17 Đạo luật Liên bang Mỹ.
[9] Jenner & Block LLP (2021), Copyright infringement and remedies in USA,https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=c8ba44bd-b65c-4248-9399-751027c5bc07, truy cập 15/7/2021.
[10] Điều 255 BLHS.
[11] Europan Comission (2020), Report on the protection and enforcement of intellectual property rights in third countries. Brussels, 8.1.2020. Tr.11.
[12] Vào năm 2009, cơ quan lập pháp của Pháp đã cho phép áp dụng các biện pháp hành chính để làm cho người dùng internet nhận thức rõ hơn về vi phạm QTG trong môi trường trực tuyến. Trên thực tế, những người dùng internet chịu trách nhiệm về cáo buộc vi phạm QTG sẽ được cơ quan quản lý bản quyền trực tuyến liên hệ qua e-mail, sau đó gửi qua thư đảm bảo để thông báo rằng họ có nguy cơ bị phạt tới 1.500 EUR nếu không dừng hành vi xâm phạm vi phạm QTG. Tuy nhiên, cơ quan quản lý QTG trực tuyến không có quyền phán quyết hành vi xâm phạm mà phải chuyển hồ sơ vụ việc cho các tòa án Pháp thực hiện quyền tài phán. Nguồn tại National Trade Estimate Report on Foreign Barrier 2013. Tr.124, ttp://www.sice.oas.org/ CTYindex/USA/USTR_Reports/2013/NTE/2013%20NTE.pdf, truy cập 15/2/2021.
[13] Điều 3, Điều 4 Luật Xử phạt vi phạm hành chính Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2015.
[14] Điều 214 Luật SHTT.
[15] Khoản 3 Điều 3, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
[16] Từ Điều 8 đến Điều 35 của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
[17] Thái Sơn (2013), Hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ dân sự, Báo Thanh Niên, https://thanhnien.vn/thoi-su/han-che-su-can-thiep-cua-nha-nuoc-vao-quan-he-dan-su-473180.html: chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 22/6/2013 cần hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ dân sự.
[18] Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp quốc tế (Business Software Alliance -BSA).
SOURCE: Tạp chí Nghề Luật, Số tháng 8/2022, Trang 44- 50 (Tác giả cung cấp).